TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nhận định về khả năng phục hồi của nền kinh tế sẽ từ quý II/2021 với điều kiện vắc xin có ở Việt Nam vào giữa năm sau và hệ thống ngân hàng đứng vững.
Nhận định nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2020, TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng như nhiều nền kinh tế khác, cho dù Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 ở mức độ nhất định nhưng năm nay kinh tế là xấu, có thể được gọi là xấu nhất kể từ thời kỳ bắt đầu công cuộc đổi mới nền kinh tế.
Với tác động dịch bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng từ cuối tháng 7, dựa trên tính toán cả phía cung và cầu, đánh giá của ông Thành trong năm 2020 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lạc quan nhất sẽ là 2%.
Chuyên gia này nêu, cho tới trước thời điểm bùng phát đợt Covid-19 tháng 7, Chính phủ tự tin cố gắng đảm bảo tăng trưởng khoảng 3- 4%. Nhưng với khó khăn do đợt bùng phát dịch này, tăng trưởng quý III có thể tiếp tục xấu, nỗ lực phụ thuộc vào “cú huých” từ giải ngân vốn đầu tư công, tăng trưởng kinh tế sẽ vào khoảng 2%.
6 tháng đầu năm, nhìn vào phía cung thì hoạt động dịch vụ đang suy giảm, thể hiện rõ tác động từ Covid-19 mạnh nhất vào các lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải. Với bất động sản có suy giảm nhưng không bằng các lĩnh vực trên.
Về phía cầu của nền kinh tế trong năm 2020, mặc dù chúng ta có kiểm soát tốt Covid-19, hoạt động kinh tế nội địa không bị gián đoạn nhưng sức mua yếu.
Ông Thành cho rằng, đến thời điểm này mới bị tác động vòng 1 của sức mua trên thị trường, đó là vì phải giãn cách xã hội nên người dân không có cơ hội mua sắm từ khoảng tháng 3, 4, 5 đến tháng 6 mới trở lại bình thường nhưng đến tháng 7 dịch trở lại. Quý III sẽ đến vòng 2 của tác động đối với sức mua thị trường, sẽ kéo sức mua xuống.
Đặc biệt, từ quý III, thị trường còn bị tác động của giảm thu nhập. Thời gian qua, người lao động có thể thất nghiệp nhưng vẫn còn tiết kiệm, nhưng đến tháng 9 trở đi tác động của giảm thu nhập sẽ thực sự đến.
“Nếu như vòng 1 túi tiền có nhưng người dân không có cơ hội mua sắm được vì giãn cách xã hội thì vòng 2 là có cơ hội mua sắm nhưng túi tiền vơi đi”, TS. Nguyễn Xuân Thành đánh giá.
Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế vẫn duy trì được hoạt động xuất khẩu. Hoạt động sản xuất, chế biến chế tạo không bị gián đoạn nhiều. Có gián đoạn trong chuỗi cung ứng nhưng vì phục hồi kinh tế ở Trung Quốc, nối lại các chuỗi cung ứng nên sản xuất công nghiệp vẫn có tăng trưởng khoảng 5% nhờ xuất khẩu.
6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng gần 15%, tính đến giữa tháng 8 là 16%. Các hàng hóa xuất mạnh sang Hoa Kỳ là điện tử, máy móc, thiết bị, là những mặt hàng Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ bị giảm. Nhờ bù đắp đó nên xuất khẩu của Việt Nam không bị giảm, xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 0,2%, tính đến giữa tháng 8 là tăng 1,4%. Như vậy kinh tế trong 2020 xấu nhưng được bù đắp khi chúng ta duy trì được thị trường xuất khẩu quan trọng.
TS. Thành nhận định, dù chịu tác động từ Covid-19 nhưng cho tới thời điểm này ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì. Đương nhiên nợ xấu có tăng, tăng trưởng tín dụng giảm dù NHNN có nởi lỏng chính sách tiền tệ; lạm phát thì mặt bằng chung chỉ số giá không tăng cao. Gần đây đồng USD đã giảm giá mạnh so với các đồng tiền lớn khác trên thế giới. VNĐ tính đến nay gần như rất ổn định so với USD, trong xu hướng USD giảm giá trong tháng qua thì VNĐ còn lên giá.
“Chúng ta kỳ vọng nhiều vào giải ngân vốn đầu tư công, theo đánh giá của tôi đây là ưu tiên chính sách của Nhà nước trong thời điểm này. Năm 2020 điểm sáng là đầu tư của nguồn khác tăng trưởng chậm, FDI giảm, đầu tư tư nhân trong nước tăng khoảng 5%, điểm mạnh nhất là đầu tư từ ngân sách sẽ tăng khoảng 20%, một phần để GDP có thể tăng được 2%”, ông Thành nêu.
Ông Thành cho rằng, xuất khẩu và đầu tư công sẽ bù đắp cho suy giảm tiêu dùng của người dân và sự tăng trưởng chậm của đầu tư tư nhân trong 2020. Trên nền tảng nếu như vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, với tình hình Covid-19 được kiểm soát, không bị xáo trộn trong chuỗi cung ứng, xuất khẩu ít nhất sang Trung Quốc, Hoa Kỳ tăng trưởng tốt…
“Đánh giá của tôi mang tính lạc quan đó là khả năng phục hồi nền kinh tế ở Việt Nam trong 2021 rất là cao, từ quý II/2021 thì kinh tế phục hồi. Đương nhiên với 2 điều kiện, 2 rủi ro kiểm soát tốt, thứ nhất là đại dịch Covid-19 được kiểm soát, vắc xin có được ở Việt Nam từ giữa 2021; thứ hai cho dù tỷ lệ thất nghiệp cao, phá sản doanh nghiệp tăng cao dẫn đến tăng nợ xấu, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn đứng vững”, ông Thành nhận định.
Theo Huyền Trâm
BizLive